Hướng nghiệp là gì?
Theo UNESCO: “hướng nghiệp là một quá trình cung cấp cho người học những thông tin về bản thân, về thị trường lao động và định hướng cho người học có các quyết định đúng đối với sự lựa chọn nghề nghiệp”.
2. Thực trạng hiện nay
Theo báo cáo tại Hội thảo “Các phương pháp phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở và trung học phổ thông” ngày 11-9-2009 của Bộ Giáo dục - Đào tạo: Nếu cộng cả số học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông chưa tiếp tục học với số học sinh bỏ học và trượt tốt nghiệp hàng năm thì con số này lên đến gần 400.000 học sinh.
Còn theo như thống kê công bố của “bộ lao động thương binh xã hội”, tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ Đại học và trên Đại học tăng liên tục, cho đến quý III năm 2015, tỷ lệ cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp chiếm tới 20% (225.500 người), tăng 26.500 người so với quý trước.
Chưa kể đến có nhiều bạn trẻ trước khi bước chân vào cánh cửa đại học vẫn còn lúng túng về việc chọn cho mình một ngành học, nhiều bạn sau khi tốt nghiệp đại học mới nhận ra là mình đã chọn sai ngành và họ phải học lại, tiếp tục lựa chọn những ngành nghề mới, gây lãng phí về thời gian, tài chính cho bản thân, gia đình và xã hội... Một số trường hợp, các em không đủ khả năng nhưng vì sức ép gia đình, phải thi những ngành ngoài khả năng dẫn tới trượt đại học.
Vậy lí do tại sao số học sinh bỏ học và tỷ lệ thất nghiệp lại cao đến như vậy? Tại sao, tới thời điểm phải lựa chọn về ngành nghề, trường học thì học sinh lại không biết nên chọn ngành học nào, trường nào?
Bạn đã bao giờ từng đặt ra câu hỏi tại sao ở các quốc gia phát triển, việc định hướng nghề nghiệp được bắt đầu từ rất sớm chưa?
Họ muốn các thế hệ nhân lực của họ không bị hao tốn thời gian, công sức, cũng như tiền bạc. Họ muốn có một thế hệ nhân lực vững mạnh để phát triển đất nước.
Thông thường, việc hướng nghiệp ở các nước phát triển được tổ chức một cách bài bản và xuyên suốt thông qua trao đổi định hướng, chuyên đề giữa phụ huynh với học sinh, nhà trường với học sinh, đồng thời có cả các bài trắc nghiệm hướng nghiệp được thiết kế trên cơ sở khoa học… giúp học sinh đánh giá bản thân xem phù hợp với nghề nào. Học sinh có các buổi nói chuyện, gặp gỡ với những người thành đạt, họ được trải nghiệm những công việc một cách thực tế để hiểu sâu về ngành nghề đó rồi mới đưa ra sự lựa chọn cho riêng mình.
Còn tại Việt Nam, chúng ta có thể thấy một thực trạng là hàng năm, sau mỗi cái Tết, là các chương trình hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trở nên sôi động, nhộn nhịp. Song, hướng nghiệp chỉ dồn sức và tập trung vào một thời điểm như thế liệu hiệu quả đạt được có phải là tối ưu không? Trong khi, học sinh khi phải quyết định chọn trường chọn ngành thì vẫn hoang mang, lo lắng không biết chọn ngành nghề, trường nào
3. Vai trò của hướng nghiệp
Hướng nghiệp đúng đắn sẽ mang lại một công việc thuận lợi và mức thu nhập ổn định trong cuộc sống, hỗ trợ cho các bạn trẻ đang còn băn khoăn, lưỡng lự chưa biết tìm ra nghề nghiệp, hướng đi trong tương lai một cách đúng đắn. Hướng nghiệp còn hạn chế tình trạng các bạn học sinh theo nhau đăng ký thi cùng ngành nghề trong cùng trường đại học, không có một định hướng nghề nghiệp rõ ràng.
Hướng nghiệp là điều rất cần thiết, cần được bắt đầu từ sớm. Hướng nghiệp nên được tiến hành ở ngay từ Trung học cơ sở, đặc biệt là đẩy mạnh hơn ở cuối cấp Trung học cơ sở. Ở lứa tuổi Tiểu học, các em còn có những ước mơ trẻ con như trở thành anh hùng, cô tiên… Nhưng khi bước vào lứa tuổi thiếu niên, các em đã bắt đầu có những suy nghĩ về nghề nghiệp một cách hiện thực hơn. Đã có sự thay đổi trong xu hướng học tập khi các em tập trung nhiều hơn vào các môn liên quan đến nghề nghiệp các em quan tâm. Chính vì thế, công tác hướng nghiệp rất quan trọng ngay từ giai đoạn này.
Hướng nghiệp cần thường xuyên và liên tục giúp các bạn trẻ tránh chọn nhầm hướng và đi nhầm đường. “Sai một ly, đi cả dặm”, nhỡ cả tiền đồ và sự nghiệp!
Bình luận bài viết