I. Định hướng nghề nghiệp là gì?
Hàng năm, khi kết thúc năm học, thì ngoài những áp lực thi cử, học sinh cuối cấp luôn phải đối mặt với một áp lực lớn không kém, đó là định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Vậy định hướng nghề nghiệp là gì?
Định hướng nghề nghiệp là việc học sinh hành trang cho bản thân những thông tin cần thiết về các ngành nghề, trường đào tạo và xu thế xã hội. Từ đó học sinh sẽ có những quyết định đúng đắn cho bản thân trong vấn đề quan trọng này. Định hướng nghề nghiệp đúng sẽ giúp học sinh không sai lầm và tương lai rộng mở.
II. Hướng nghiệp có quan trọng không?
Cần khẳng định rằng hướng nghiệp là một việc rất quan trọng của học sinh cuối cấp. Nó giúp cho học sinh xác định được hướng đi cho bản thân để lên kế hoạch học tập, rèn luyện. Hướng nghiệp không dễ nhưng nếu hướng nghiệp đúng thì sẽ không mất thời gian, công sức, tiền bạc cho những sai lầm về sau.
Vấn đề thất nghiệp, làm trái nghề của các cử nhân hiện nay cũng là một hậu quả của việc không chú trọng hướng nghiệp ở tuổi 18-20. Rất nhiều sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học ít nhiều đều hối hận với sự lựa chọn của mình. Họ cảm thấy không phù hợp với ngành nghề và môi trường học dẫn đến chán và bỏ học. Nếu hướng nghiệp đúng sẽ không còn tình trạng này.
III. Các bước định hướng nghề nghiệp hiêụ quả
1. Thấu hiểu bản thân
Đây là điều quan trọng mà trong các chương trình hoặc các thông tin hướng nghiệp đều nói tới. Nhưng ở độ tuổi 18 thì không phải ai cũng biết cách thấu hiểu bản thân mình. Vậy thì hãy bắt đầu với các câu hỏi: “Mình muốn trở thành ai?”, “Mình thích gì?”, “Mình có năng lực nào nổi trội”, “Mình đam mê điều gì?”. Đó là những câu hỏi cơ bản nhất.
Nhưng những câu hỏi trên chỉ là thấu hiểu ở bên ngoài, những thứ biểu hiện ra. Trong mỗi người đều có những tiềm năng ẩn sâu. Để hiểu sâu về bản thân, bạn có thể tham gia các bài test để thấu hiểu mình. Có thể là test tính cách hoặc test đa trí thông minh đều rất khoa học. Từ những điều thấu hiểu bản thân ấy bạn sẽ có cái nhìn cụ thể nhất về mình.
2. Chọn ngành nghề
Chọn ngành nghề luôn là vấn đề khó khăn vì thống kê có tới 65 nhóm ngành nghề trong xã hội và tới hàng chục nghìn nghề nghiệp chuyên môn cụ thể. Nhưng nếu bạn đã thấu hiểu được bản thân, biết được điểm mạnh yếu của mình, biết được bản thân muốn gì thì chọn ngành nghề sẽ không còn khó khăn.
Qua các bài test, nếu bạn có trí thông minh tương tác, thì giáo dục – đào tạo, khách sạn – nhà hàng, lĩnh vực kinh tế… có thể sẽ phù hợp. Nếu bạn có tính cách của người có tầm nhìn và bạn năng động thì có thể chuyên ngành quản trị kinh doanh, du lịch sẽ thích hợp. Nếu bạn yêu thích các con số và là người tỉ mỉ thì chắc chắn không thể bỏ qua kế toán, tài chính.
Khi thấu hiểu bản thân xong, dựa vào những tiềm năng vốn có thì sẽ dễ dàng chọn được những lĩnh vực nghề nghiệp chung. Sau đó từ những ngành nghề chung đó, dựa vào tính cách, những điều bản thân mong muốn và xu hướng xã hội để chọn nghề và ngành học cho mình.
Đây là bước không dễ nhưng rất quan trọng. Bạn là học sinh chuẩn bị hành trang vào quãng đường mới thì hãy tự khám phá và lựa chọn cho chính mình. Nếu bạn không thể tự lựa chọn để rồi gia đình, theo bạn bè mà chọn thì rất có thể sau này bạn sẽ hối hận vì ngành nghề đó không phù hợp với mình.
3. Chọn trường
Sau khi lựa chọn cho mình một (vài) ngành nghề thì hãy bắt đầu lựa chọn trường. Hãy ghi ra số điểm bạn có thể đạt được ở kì thi cuối cấp. Sau đó tìm tòi các thông tin về các trường mà bạn cảm thấy hứng thú và vừa tầm với số điểm của mình. Và cuối cùng là lựa chọn.
Trong khi chọn trường thì gặp phải rất nhiều tình trạng như trường mình muốn không có ngành nghề đã chọn, hoặc trường đó có mức điểm cao hơn khả năng của mình. Thực tế thì học sinh có rất nhiều lựa chọn cho bản thân. Trong lĩnh vực chung như kinh tế, kỹ thuật, ngôn ngữ… thì các ngành học có sự tương đồng nhau nên việc thay đổi một chút khi chọn trường cũng là điều có thể.
Chính vì có sự tương đồng ít nhiều giữa các ngành nghề trong cùng 1 lĩnh vực nên để dễ dàng chọn trường, chọn chuyên ngành học thì khi lựa chọn ngành nghề ở bước 2 hãy cố gắng có cho mình vài sự lựa chọn cho nghề nghiệp. Vì cùng một công lựa chọn thì hãy lựa chọn đủ và đúng ngay lần đầu để lúc có kết quả thi, nếu khác thì sẽ không phải chọn lại nghề.
Một điều lưu ý khi chọn trường là phải phù hợp với nhiều mặt với hoàn cảnh của mình. Hãy cân nhắc về vị trí địa lý, học phí, môi trường học tập, các hoạt động của trường… Lên các group sinh viên trường đó để hỏi trực tiếp là một điều nên làm. Hãy dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thông tin thật kĩ và chất lượng thì mới đưa ra lựa chọn cuối cùng.
4. Ra quyết định
Ra quyết định là một điều quan trọng không kém và nó thuộc kỹ năng. Nhưng việc định hướng nghề nghiệp thì tự ra quyết định là điều mỗi học sinh phải làm. Sẽ có câu hỏi là vậy lựa chọn được ở những bước trên rồi thì khác gì ra quyết định. Khác chứ, liệu rằng có sự lựa chọn rồi, chúng ta có đặt niềm tin để quyết định đi theo hướng đã chọn không?
Việc ra quyết định trong hướng nghiệp ít nhiều có ảnh hưởng sâu sắc từ những câu hỏi liên quan đến xu hướng xã hội; theo định hướng từ gia đình, theo bạn bè, hoặc chọn bừa. Nhưng chúng ta cần phải tự ra quyết định cho mình khi đã có sự lựa chọn được coi là hợp lý. Có rất nhiều học sinh không đủ niềm tin nên đã không quyết định theo mình.
Khi đã thực hiện các bước 1-2-3 và có cho mình những sự lựa chọn, thì lúc ấy hãy cố gắng giữ cho mình “cái đầu lạnh”. Hãy để những thông tin xung quanh chỉ là lời góp ý để xem xét. Còn việc quyết định, điền vào đơn đăng kí nguyện vọng phải là cái điều mà mình mong muốn, điều mình đã lựa chọn.
Nếu bạn không có niềm tin vào bản thân, sợ sai, sợ lầm đường lạc lối thì hãy ngưng lại. Hãy mạnh dạn và yên tâm rằng nếu bạn yêu thích, có tiềm năng, bạn có đủ thông tin cần thiết và lựa chọn kĩ lưỡng thì chắc chắn bạn đang đi đúng hướng và tương lai chắc chắn sẽ rộng mở và không bị hối hận sau này.
5. Xây dựng lộ trình phát triển
Có vẻ như việc ra quyết định là điều kết thúc hoạt động của hướng nghiệp nhưng Eguide muốn các bạn biết cách xây dựng những điều cần làm để đạt được những mục tiêu. Mà những mục tiêu đó trước mắt là đỗ được vào trường với chuyên ngành bạn lựa chọn, sau sẽ là những mục tiêu xa hơn, trong vài ba năm tới.
Thứ nhất, bạn phải viết ra được mục tiêu cho mình. Ví dụ là: “Đỗ chuyên ngành Tự động hóa Đại học Bách Khoa 26 điểm.” Khi viết xong, hãy xác định rõ thời gian đạt được, đạt được như thế nào, ai hỗ trợ và quan trọng nhất là phải làm như thế nào để đạt được. Từ những điều cụ thể đó sẽ là kim chỉ nam giúp để có được những kế hoạch hành động.
Hướng nghiệp không đơn giản chỉ là chọn nghề gì, trường gì cho đúng. Mà để hướng nghiệp đúng cần một hành trình tìm tòi, nghiên cứu thông tin, ra quyết định và xây dựng kế hoạch. Xây dựng kế hoạch là điều rất cần thiết vì từ kế hoạch đó chúng ta sẽ có cái nhìn cụ thể hơn những điều mình cần làm để đạt được.
Trên đây là bước để học sinh cuối cấp có thể tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Hãy nhớ rằng mình mới là người lựa chọn và ra quyết định cho mình. Hướng nghiệp không dễ nhưng kết quả của việc hướng nghiệp đúng lại rất ngọt ngào. Nếu vấn đề tự hướng nghiệp gây khó khăn và mất nhiều thời gian, thì các bạn hoàn toàn có thể hướng nghiệp online với hệ thống hướng nghiệp khoa học Nova Eguide.
Bình luận bài viết