Đề 1: Cảm nghĩ của anh (chị) về giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh ( trích Thượng kinh kí sự của Lê Hữu Trác)
1. Phân tích đề
- Đề này thuộc dạng đề định hướng rõ về nội dung và thao tác nghị luận.
- Vấn đề nghị luận: Giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.
- Yêu cầu về hình thức: Đây thuộc dạng bài nghị luận văn học (phát biểu cảm nghĩ về giá trị hiện thực của văn bản). Dẫn chứng lấy chủ yếu từ đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.
2. Lập dàn ý
a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm của đoạn trích (Nêu luận điểm của đề)
Ví dụ: Không chỉ là một danh y lỗi lạc, Lê Hữu Trác còn là một văn nhân văn nhân tài ba của nước ta ở TKXVIII. Nhắc đến ông không thể không nhắc đến "Thương kinh kí sự". Tác phẩm phản ánh hiện thực sâu sắc cuộc sống xa hoa, giàu sang, quyền uy tột bậc của nhà chúa. Giá trị ấy đặc biệt được thể hiện qua đoạn trích "Vào phủ chúa Trịnh".
b. Thân bài: Cần triển khai rõ các ý sau:
- Bức tranh hiện thực về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa:
+ Quang cảnh nơi phủ chúa hiện lên cực kì xa hoa, tráng lệ và không kém phần tôn nghiêm. Cảnh nói lên uy quyền tột bậc của nhà chúa.
+ Cùng với sự xa hoa là cung cách sinh hoạt đầy kiểu cách.
- Từ bức tranh này, ta nhận thấy thái độ phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía của tác giả, đồng thời dự cảm được sự duy tàn của giai cấp thống trị Lê – Trịnh thế kỉ XVIII đang tới gần.
c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân.
Ví dụ: Đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh mang giá trị hiện thực sâu sắc. Bằng tàỉ quan sát tinh tế và ngòi bút ghi chép chi tiết, chân thực, tác giả đã vẽ lại một bức tranh sinh động về cuộc sông xa hoa, quyền quý của chúa Trịnh, đồng thời cũng bộc lộ thái độ coi thường lợi danh của mình. Đối với ông thì không có gì quý bằng cuộc sống tự do nơi non xanh nước biếc chốn quê nhà, được đem hết tài năng, nhiệt huyết cống hiến cho y thuật và cứu nhân độ thế. Cuộc sống nơi cung vua, phủ chúa dẫu giàu sang phú quý tột bậc nhưng rốt cục cũng chỉ là vào luồn ra cúi, cá chậu chim lồng mà thôi.
Bài mẫu 1:
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được biết đến không chỉ với danh tiếng của một danh y lỗi lạc, nhân từ và một ẩn sĩ thanh cao, cứng cỏi mà còn là tác giả của cuốn "Thượng kinh kí sự" nổi tiếng. Đầu năm 1782, do danh tiếng y thuật vang xa, ông được lệnh triệu ra kinh đô để chữa bệnh cho Thế tử Trịnh Cán và chúa Trịnh Sâm. Nhờ những tư liệu, ghi chép trong chuyến đi, ông đã hoàn thành tác phẩm "Thượng kinh kí sự" với giá trị hiện thực sâu sắc. "Vào phủ chúa Trịnh" là một trong những trích đoạn đặc sắc thể hiện rõ điều này bằng việc lên án, tố cáo cuộc sống xa hoa, quang cảnh lộng lẫy cùng những tầng lớp vua quan trong bộ máy xã hội phong kiến.
Trước hết, dưới con mắt tỉnh táo, tinh tế của một ẩn sĩ, tác giả Lê Hữu Trác đã ghi lại và phản ánh trong tác phẩm của mình đời sống xa hoa, giả dối và đầy thị phi của tầng lớp vua quan thông qua những chi tiết về quang cảnh xa hoa, lộng lẫy trong các dinh thự và phủ các. Đó là vườn hoa với "cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương", đó là những nhà "Đại đường", "Quyển bồng", "Gác tía" với kiệu son, võng điều, đồ nghi trượng sơn son thếp vàng và "những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy" cùng "mâm vàng, chén bạc" được dùng lúc tiếp khách ăn uống. Tất cả khung cảnh vàng son lộng lẫy xa hoa của phủ chúa đã được phóng chiếu qua đôi mắt và sự quan sát, tinh tế và tỉ mỉ của tác giả.
Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị hiện thực của tác phẩm còn được tạo nên thông qua những chi tiết về cung cách sinh hoạt trong phủ chúa. Ngay từ lúc tác giả lên cáng vào phủ theo lệnh chúa thì điều này đã được làm nổi bật: "có tên đầy tớ chạy đằng trước hét đường" và "cáng chạy như ngựa lồng". Khi đặt chân vào phủ chúa, tác giả quan sát thấy cảnh tượng "người giữa cửa truyền báo rộn ràng, người có việc qua lại như mắc cửi". Quang cảnh đó đã khiến cho tác giả không khỏi ngạc nhiên:
"Lính nghìn cửa vác đòng nghiêm nhặt
Cả trời Nam sang nhất là đây"
Câu thơ của tác giả đã minh chứng rõ thêm về quyền uy nơi phủ chúa. Chính ông cũng đã bộc bạch trước cảnh xa hoa đó rằng: "Mình vốn cũng là con em nhà quan, sinh trưởng nơi phồn hoa, khắp chốn trong cấm thành, chỗ nào cũng từng quen thuộc, duy có quang cảnh phủ chúa thì chỉ được nghe nói tới mà thôi. Nay được đến đây, mới biết hết là sự giàu sang của vua chúa, quả là không ai sánh kịp". Những câu thơ hay lời bình luận của tác giả cũng đã làm nổi bật giá trị về mặt thời gian nghệ thuật của tác phẩm. Đó là sự xuất hiện của thời gian tâm lí. Bên cạnh thời gian vật lí là những con số về ngày giờ, năm tháng và niên hiệu, tác giả còn dành ra những khoảng không để chiêm nghiệm về các sự kiện đã diễn ra, khiến cho mỗi một sự miêu tả trong tác phẩm đều chứa đựng những suy nghĩ và cảm xúc của tác phẩm.
Bằng ngòi bút chân thực và sắc nét, trong đoạn trích này, tác giả còn gián tiếp lên án và tố cáo đời sống xa hoa, bệnh hoạn của giới quý tộc, quan lại đương thời. "Bệnh" của Trịnh Cán đã được ông nhận xét như sau: "là do sinh trưởng ở nơi màn the trướng gấm, ấm nó quá sức, tạng phủ kém yếu, lại thêm bị ốm lâu nên tinh huyết hao kiệt,...". Chúa Cán vốn là trẻ con hồn nhiên nghiễm nhiên trở thành nạn nhân của sự sung túc, thừa thãi và dưỡng dục sai lầm. Trước những căn bệnh như thế này, việc cứu chữa sẽ được các ngự y tiến hành như thế nào? Tác giả lại tiếp tục khéo léo lên án đám thầy thuốc Bắc Hà với căn bệnh ngu dốt, nhưng ảo tưởng, tham lam và nhỏ nhen. Đó là đám "y lại" chuyên đố kị, dèm pha lẫn nhau, không vì đạo làm thuốc mà vì danh lợi. Bằng những nét bút miêu tả khá tự nhiên, chân thực, Hải Thượng Lãn Ông đã bắt mạch, lên đơn những căn bệnh của chế độ phong kiến lúc bấy giờ. Bên ngoài lớp vỏ bọc hoàn hảo của quang cảnh xa hoa lộng lẫy và cung cách sinh hoạt đầy quyền uy, hòa nhoáng và thịnh trị là những mầm bệnh đang phát tác, thể hiện sự mục rỗng và báo hiệu sự khủng hoảng tất yếu của chế độ xã hội phong kiến đương thời.
Giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm "Vào phủ chúa Trịnh" đã làm nên tính chân thực của "Thượng kinh kí sự" qua bút pháp kí sự vô cùng đặc sắc của tác giả. Đó là sự kết hợp thành công của đôi mắt quan sát tỉ mỉ cùng ngòi bút ghi chép trung thực, tả cảnh sinh động, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất để tạo nên cái thần của cảnh và vật thấm đẫm trong từng con chữ và xuyên suốt trang văn.
Thông qua giá trị hiện thực của tác phẩm, độc giả còn thấy được giá trị nhân đạo ẩn chứa một cách sâu sắc. Bằng sự quan sát và ghi chép về quang cảnh xa hoa lộng lẫy, tác giả đã gián tiếp thể hiện sự đồng cảm, thương xót đối với cuộc sống cơ cực, lầm than của nhân dân. Bức tranh về xã hội phong kiến đã được phác họa trong sự đối lập giữa đời sống của tầng lớp quan lại và cuộc sống của những người dân. Thông qua tác phẩm này, chúng ta càng thấm thía hơn nữa câu ca quen thuộc của người xưa về sự tàn bạo và trắng trợn trong lối sống của đại đa số tầng lớp quan lại:
"Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan".
Bài mẫu 2:
Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác ngoài việc là một thầy thuốc nổi tiếng với tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh, thì bản thân ông cũng là một người có tài văn chương, với những đóng góp đáng ghi nhận trong nền văn học Việt Nam. Một trong những cuốn nổi tiếng nhất trong bộ sách trên của ông đó là Thượng kinh ký sự. Ở đó ta sẽ có cơ hội được nhìn lại lịch sử Việt Nam thê kỷ 18, một thời kỳ mà ở đó có sự phân tranh gay gắt giữa vua Lê và chúa Trịnh. Người ta ví rằng một triều đình có hai hoàng cung cùng song song tồn tại, điều đó đã đẩy cuộc sống nhân dân vào cảnh khốn cùng. Ta sẽ được tìm hiểu về một trong hai hoàng cung quyền uy, xa hoa tột bậc đó, chính là phủ chúa Trịnh qua lời của Lê Hữu Trác trong đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh.
Lê Hữu Trác (1724-1791), hiệu là Hải Thượng Lãn Ông, quê cha ở Trấn Hải Dương (Hưng Yên), quê mẹ ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông vừa là một danh y lỗi lạc, vừa là một nhà văn tài hoa. Tác phẩm của ông chỉ có một bộ duy nhất là Hải Thượng y tông tâm lĩnh, rất đồ sộ, là tâm huyết của cả cuộc đời ông viết trong gần 40 năm trời bền bỉ.
Thượng kinh ký sự là quyển vĩ của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, viết nhân sự kiện chúa Trịnh Sâm mời Lê Hữu Trác ra kinh đô chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán, cuốn sách chính là kết quả của chuyến đi này.
Bằng những quan sát rất tinh tế của mình, Lê Hữu Trác đã tái hiện một cách rất sinh động bức tranh hiện thực nơi phủ chúa Trịnh. Ông tự đặt mình vào vị trí của một vi thầy thuốc nhà quê, một người dân lao động lần đầu tiên được bước chân vào phủ Chúa, để diện kiến bề trên, để thực sự thấy được cái cuộc sống xa hoa tột độ của giai cấp thống trị thời bấy giờ là như thế nào. Đây thật sự là cái nhìn của một bậc trí thức lương tâm và trung thực. Tác giả quan sát sự vật theo trình tự không gian và thời gian, đi từ ngoài vào trong. Trước hết ấn tượng đầu tiên của Lê Hữu Trác là cảnh vật tươi đẹp nơi phủ Chúa: “cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đưa thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương”, rồi thì quang cảnh rộng lớn, đẹp mắt, “những dãy hành lang quanh co nối tiếp”, cảnh người qua lại nhộn nhịp “như mắc cửi”. Chỉ mới bấy nhiêu thôi đã khiến cho Lê Hữu Trác, vốn lớn lên trong nhung gấm, giàu sang cũng phải mở rộng tầm mắt mà âm thầm cảm thán “cảnh giàu sang của vua chúa thực khác người thường!”. Trong đôi mắt của một thầy thuốc quê mùa, phủ Chúa thực chẳng khác nào chốn bồng lai tiên cảnh, “ngư phủ đào nguyên” cả, thực tươi đẹp không kể xiết.
Thế rồi khi bước vào nội cung, Lê Hữu Trác mới biết được cái cung cấm giàu sang nghiêm ngặt đến như thế nào. Khắp nơi nơi là đình đài, lầu các cao rộng, cảnh cung cấm được sơn son thếp vàng tỉ mỉ, rực rỡ, chưa kể những đồ vật bày biện bên trong toàn là những thứ “nhân gian chưa từng thấy”. Rồi thì không khí ngào ngạt các mùi hương thơm của nến, của hoa nhưng lại mang đến cảm giác tù đọng, ngột ngạt vô cùng, thứ nhất là vì cái không khí thâm nghiêm, thứ hai là vì cái vẻ tráng lệ xa hoa phi thực quá mức, khiến cho mọi thứ không còn giữ được vẻ đẹp tự tại ban đầu. Như vậy, qua đôi mắt quan sát tinh tường của Lê Hữu Trác ta đã thấy quang cảnh phủ Chúa hiện lên một cách chân thực và sinh động. Đó là một nơi xa hoa, tráng lệ, rực rỡ, không một nơi nào có thể sánh bằng, tuy nhiên cái đẹp vượt quá mức thường khiến cho cuộc sống vương giả trở nên ngột ngạt, tù hãm, dường như mất đi cái phần sinh khí tự nhiên của sự sống.
Đó là về cảnh sắc, về cung cách sinh hoạt nơi phủ chúa ta lại càng thấy được cái mức độ xa xỉ tột cùng của đấng bề trên lúc bấy giờ. Một mâm cơm để mời các ngự y mà cái chén cái bát nào cũng bằng vàng, bằng bạc, đồ ăn thì toàn của ngon vật lạ, Lê Hữu Trác thầm nghĩ “bấy giờ mới biết cái phong vị của nhà đại gia”. Rồi thì đường vào phòng bệnh của thế tử tuyệt nhiên chẳng có một cái cửa nào, mà được phủ bởi năm sáu lần trướng gấm, cách biệt với bên ngoài. Trong phòng chỉ có một thế tử cùng với chúa vậy mà một đám người hầu, rồi lại một đám cung nhân chầu trực dù chẳng mấy khi có việc cần. Cũng chính cái lối sống, sung sướng xa hoa tột độ, nhưng ngột ngạt tù túng ấy đã khiến một đứa trẻ mới năm sáu tuổi mắc bệnh nặng. Lúc này đây màn che trướng phủ, sơn hào hải vị, lụa là gấm vóc lại cũng đang khiến con người ta trở nên bệnh tật, thế mới có câu cái gì quá cũng không tốt, là vậy.
Rồi thì căn nguyên bênh tật của thế tử cũng là lời sâu xa của Lê Hữu Trác về tình hình đất nước lúc bấy giờ, “nguyên khí đã hao mòn, thương tổn quá mức”, khó có thể chữa chạy. Ông đắn đo rất nhiều trong lúc chữa bệnh cho thế tử, không phải là không chữa được mà cốt là ông sợ mình bị giữ chân, bị cuốn vào cái vòng danh lợi luẩn quẩn không thể thoát thân được. Cuối cùng, ông kê một phương thuốc hòa hoãn cho thế tử, bệnh sẽ khỏi nhưng lại không hết ngay và ông có thể an tâm rút về núi tiếp tục hành nghề mà không phải hổ thẹn với ơn nghĩa quốc gia bao đời.
Đoạn trích có giá trị hiện thực sâu sắc, phản ánh cái lối sống xa xỉ, hoang dâm vô đạo của phủ Chúa, chèn ép nhân dân bởi sưu cao thuế nặng, chỉ vì phục vụ cho cuộc sống xa hao tột bậc của chúng, để nhân dân phải sống trong cảnh lầm than, kêu trời không thấu, kêu đất chẳng hay. Lúc này đây cảnh cung cấm tráng lệ nơi phủ Chúa chính là nỗi đau của của nhân dân, là cái xiềng xích đang ngày đêm đang áp lên đôi vai gầy của những người dân cùng khổ. Đồng thời đoạn trích cũng là tấm lòng coi thường danh vọng của Lê Hữu Trác, vị danh y ấy chỉ yêu tha thiết cái cảnh thanh bình, tự do nơi quê nhà, được hành y cứu người. Còn cái cuộc sống tuy xa hoa, sung sướng kia tuy hào nhoáng như rốt cục cũng phải chịu luồn cúi, khuôn phép thì có hay ho gì đâu.
Đề 2: Qua các bài thơ Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương, anh (chị) hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa.
1. Mở bài: Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.
Ví dụ: Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều bài thơ nói lên thân phận của người phụ nữ phong kiến xưa. Họ phải chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến "Tam tòng, tứ đức" ( tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công dung ngôn hạnh). Họ hầu như không có quyền quyết định cuộc đời mình, chỉ biết sống cam chịu và phục tùng. Cảm thông với số phận, thân phận và phẩm chất của người phụ nữ xưa, hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đã thay họ nói lên tiếng lòng mình qua các bài thơ như: Tự tình, Bánh trôi nước, Thương vợ ...
2. Thân bài
Các ý chính cần đạt là:
* Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương.
* Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật những phẩm chất sau:
- Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:
+ Ở bài Bánh trôi nước là thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, thậm chí là cuộc sống của mình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.
+ Ở bài Thương vợ là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.
+ Ở bài Tự tình là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình – những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ.
- Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:
+ Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ còn hiện lên nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.
+ Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.
3. Kết bài: Tổng kết và đánh giá vấn đề nghị luận. Nêu cảm nghĩ của bản thân.
Ví dụ: Ngày nay thân phận người phụ nữ đã chiếm một vị trí quan trọng trong gia đình. Bởi lẽ cái xã hội "Trọng nam khinh nữ" đã bị xóa bỏ mà thay vào đó là một xã hội "công bằng, bình đẳng, nam nữ bình quyền". Nhưng không vì thế mà người phụ nữ Việt Nam làm mất đi vẻ thuần phong mỹ tục vốn có của mình. Và vẫn giữ được phẩm chất, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Viêt Nam, đảm đang tháo vác.
Bài mẫu 1:
Hồ Xuân Hương sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng về đề tài phụ nữ. Thơ bà là tiếng nói đòi quyền sống tự do và thể hiện khát khao hạnh phúc. Trần Tế Xương cũng có một số bài thơ nói về những vất vả gian truân mà người phụ nữ phải gánh chịu trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.
Mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước quen thuộc trong dân gian, Hổ Xuân Hương gửi gắm những suy ngẫm sâu sắc của mình về thân phận nhỏ bé và phụ thuộc của người phụ nữ:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Chiếc bánh trôi nước làm bằng bột nếp trắng tinh, mịn màng, tròn trịa và xinh xắn khiến người ta liên tưởng tới vẻ đẹp hổn nhiên, đầy đặn của những cô gái đương xuân. Bánh luộc trong nồi nước sôi, mấy lần chìm xuống nổi lên mới chín. Bột bánh trắng trong nổi rõ màu nâu đỏ của nhân làm bằng đường thẻ. Với đôi mắt và trái tim đa cảm, Hồ Xuân Hương đã nhận ra đằng sau những chi tiết rất thực ấy là cả một nỗi niềm thương thân trách phận của người phụ nữ. Tạo hóa sinh ra họ là để duy trì và phát triển sự sống của nhân loại, đồng thời làm đẹp cho đời. Vai trò của họ là vô cùng quan trọng, nhưng quan niệm thiên vị đến mức lệch lạc trong xã hội phong kiến đã cố tình phủ nhận điều đó. Nào là: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Nào là: Nữ nhân ngoại tộc.
Rồi luật Tam tòng cột chặt người phụ nữ vào thân phận bị phụ thuộc vĩnh viễn: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Những quan niệm khắt khe, cổ hủ ấy đã tước đoạt điều quý giá nhất là được tự do sống đúng với con người mình và đáng sợ hơn là nó biến người phụ nữ thành cái bóng mờ nhạt trong suốt cuộc đời. Họ tồn tại chứ không phải là sống theo đúng nghĩa tích cực của từ đó. Chẳng khác gì những chiếc bánh trôi nước, rắn, nát, méo, tròn hoàn toàn do tay kẻ nặn.
Ở bài thơ Tự tình II, Hồ Xuân Hương đã bộc bạch tâm trạng bức xúc cao độ của bản thân, đồng thời cũng là tâm trạng chung của bao phụ nữ cùng cảnh ngộ trong xã hội phong kiến:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
Nói đến người phụ nữ là nói đến cái đẹp, tình yêu thương và đức hi sinh. Họ cống hiến hết cho cuộc đời mà không đòi hỏi quyền lợi vật chất nào ngoài sự trân trọng, cảm thông và chia sẻ. Nhưng những cái đó hầu như không được gia đình và xã hội quan tâm vì cho rằng thiên chức của phụ nữ là phục tùng vô điều kiện. Hiểu rõ điều bất công đó nên Hồ Xuân Hương đã viết nên những câu thơ thấm đẫm nỗi xót xa, chua chát như trên. Hồng nhan là cách gọi những phụ nữ đẹp, rộng hơn là để chỉ chung giới nữ. Nhưng gọi là cái hồng nhan có nghĩa là đã hạ nó xuống ngang hàng với những vật vô tri vô giác khác. Nỗi hờn tủi, bẽ bàng chất chứa trong câu thơ: Trơ cái hồng nhan với nước non in đậm dấu ấn phong cách diễn tả độc đáo của Xuân Hương.
Tâm sự trĩu nặng nỗi buồn thân phận và duyên phận của nữ sĩ không biết ngỏ cùng ai nên càng cuộn xoáy, day dứt trong lòng giữa đêm khuya thanh vắng. Nhưng dù bị phụ phàng hay quên lãng thì nhân vật trữ tình trong bài thơ vẫn không tuyệt vọng, vẫn khao khát sống mạnh mẽ, vẫn ước ao đến cháy lòng hạnh phúc tròn đầy, vẫn mong muốn được san sẻ và bù đắp những tình cảm chân thành nhất giữa người với người.
Bài Thương vợ của nhà thơ trào phúng nổi tiếng Trần Tế xương có thể coi là chân dung tương đối hoàn chỉnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
Ngày xưa, Nho giáo buộc phụ nữ phải có bổn phận thờ chồng, nuôi con. Thờ chồng đối với bà Tú bao hàm cả việc nuôi chồng, thế là bất công vì đúng ra, người đàn ông phải giữ vai trò trụ cột trong gia đình về mọi mặt.
Bà Tú vốn con nhà gia giáo, khá giả. Lúc còn ở với cha mẹ, bà không phải chịu cảnh vất vả nắng sương. Làm vợ ông Tú lận đận về đường khoa cử, lại không nghề không nghiệp nên bà đành chấp nhận cảnh sống long đong, khổ sở. Quanh năm lo tảo tần buôn bán nơi mom sông, bến chợ để Nuôi đủ năm con với một chồng. Mà nuôi ông chồng đặc biệt tài hoa như ông Tú thì không phải chỉ lo miếng cơm, manh áo bình thường mà còn phải chuẩn bị sẵn cho ông ít rượu ít trà, ít tiền bỏ túi để có lúc ông vui bạn vui bè, chuẩn bị cho ông một hai bộ cánh tươm tất để nhỡ đi đâu ông khỏi tủi... Như vậy là bà Tú phải lo rất nhiều, phải làm rất nhiều mà không dám kể lể, thở than: Một duyên hai nợ âu đành phận, Năm nắng mười mưa dám quản công. Bà âm thầm coi đó là định mệnh đã an bài. Suy nghĩ và tâm trạng của bà Tú cũng là suy nghĩ, tâm trạng chung của phụ nữ thời xưa.
Nhà thơ Trần Tế Xương từng tự nhận mình là ông chồng vô tích sự, để vợ phải lặn lội thân cò... chẳng khác chi những thân cò thân vạc đáng thương trong ca dao - dân ca, tượng trưng cho thân phận vất vả, cực nhọc của người phụ nữ. Bên cạnh nỗi khổ vật chất, bà Tú còn nỗi khổ tinh thần. Bà hết lòng vì chồng, vì con nhưng chồng con nào có biết cho chăng?! Thế nên mới có tiếng thở dài như một lời than não ruột: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, Có chồng hờ hững cũng như không!
Có lẽ ông Tú đã hoá thân vào vợ mình, để thấu hiểu và thông cảm với bà. Lấy chồng mà chẳng được nhờ vả, cậy dựa; lấy phải ông chồng hờ hững thì quả là có cũng như không mà thôi.
Ba bài thơ cùng một đề tài và cùng toát lên thân phận nhỏ bé, phụ thuộc rất đáng thương của người phự nữ trong xã hội phong kiến xưa kia. Nhà thơ Hồ Xuân Hương và nhà thơ Trần Tế Xương đã góp tiếng nói đáng kể vào tiếng nói chung bảo vệ quyền lợi chính đáng của một nửa nhân loại - những người gánh vác trọng trách duy trì sự sống trên trái đất này.
Bài mẫu 2: Văn thơ trung đại Việt Nam, nhất là các tác phẩm viết bằng chữ Nôm nói nhiều đến tình yêu và số phận người phụ nữ trong cuộc đời.
Nương tử ơi!
Chướng căn ấy bởi vì đâu? Oan thác ấy bởi vì đâu?
Cho đến nỗi xuân tàn hoa nụ, thơ lẩn trăng rằm?
("Văn tế Trương Quỳnh Như" - Phạm Thái)
Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
("Truyện Kiều" - Nguyễn Du)
Nguyệt Nga là gái tuyết trinh,
Sắc phong quận chúa hiển vinh rỡ ràng.
("Truyện Lục Vân Tiên" - Nguyễn Đình Chiểu
Hồ Xuân Hương và Tú Xương, qua "Bánh trôi nước", "Tự tình" - Bài II, "Thương vợ" đã làm hiện lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa với bao ấn tượng sâu xa, với bao cảm thương man mác.
Bài thơ "Bánh trôi nước" có hai lớp nghĩa: tả thực chiếc bánh trôi, một món ăn dân tộc và tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp của người con gái quê ta. Chữ "trắng" và chữ "tròn", hình ảnh nhân hoá "thân em" đã thể hiện vẻ đẹp khiêm nhường, dịu dàng, trinh trắng và duyên dáng của "em". Tuy tình yêu và số phận bị phụ thuộc vào lễ giáo phong kiến, và đạo tam tòng, vào "tay kẻ nặn", dù "rắn nát", dù vất vả, lận đận, long đong, trải qua "bảy nổi ba chìm", nhưng em vẫn ki&ec