Đề 1: Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn văn Siêu có viết: "Văn chương [...] có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.
Bài làm cần có các nội dung sau:
- Phân tích lí giải hai loại văn chương: "Chỉ chuyên chú ở văn chương" và loại "Chuyên chú ở con người".
+ Thế nào là văn chương "Chỉ chuyên chú ở văn chương"?
Đó là loại văn chương chỉ biết có nó, tức là coi hình thức nghệ thuật là trên hết, nhà văn khi sáng tác chỉ chăm lo cái đẹp của hình thức, không mấy chú ý đến nội dung tư tưởng và không quan tâm đến đời sống,vân mệnh con người, không có trách nhiệm đối với xã hội.
+ Thế nào là văn chương "chuyên chú ở con người"?
Đó là loại văn chương quan tâm trước hết đến cuộc sống con người vì con người, coi giá trị chủ yếu của văn chương ở chỗ nó có ích cho cuộc đời.
- Nêu ý kiến về quan niệm của Nguyễn Văn siêu:
+ Vì sao loại đáng thờ là loại "Chuyên chú ở con người" chứ không phải loại "Chuyên chú ở văn chương"?
NVS muốn nói đến chân giá trị của văn chương . Nếu văn chương không quan tâm đến con người thì văn chương sẽ tự đánh mất mình. Áng văn hay phải là áng văn tâm huyết của người cầm bút. Cái tâm thường nuôi dưỡng, phát huy cái tài.
- Liên hệ đến các nhà văn có cùng quan điểm như NVS.
Bài mẫu 1:
Vào thế kỷ trước, dưới sự thay đổi hoàn cảnh đất nước, hệ tư tưởng mới, hiện đại dần thay thế những tư tưởng lạc hậu, phong kiến, đó là kết quả của sự du nhập nền văn hóa tư sản, vô sản một cách nhanh chóng, sự tiến bộ mang tính toàn thế giới ấy đã nhanh chóng khiến nền văn hóa phong kiến trung đại bị vượt mặt vì sự chậm nhiệt và tính chất khu vực của nó. Điều ấy đã diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và gay gắt giữa các nhà làm nghệ thuật về quan niệm cái mới và cái cũ, nổi bật có thể kể đến phong trào thơ Mới nổi lên như một hiện tượng làm khuynh đảo nền văn học Việt Nam những năm 1932-1941 với nhiều tác giả tên tuổi như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính,... Không chỉ có sự đấu tranh trong phong cách làm nghệ thuật, mà giai đoạn này còn nổi lên cuộc bút chiến không nhân nhượng giữa hai trường phái "nghệ thuật vị nhân sinh" do Hải Triều đứng đầu và "nghệ thuật vị nghệ thuật" do Hoài Thanh khởi xướng, cuộc tranh luận đã diễn ra trong một khoảng thời gian tương đối dài (1935-1939). Tuy nhiên việc tranh luận về tư tưởng văn học là một cái gì đó rất phức tạp khó có thể phân định thắng hay thua, chỉ đến khi cách mạng thành công, các hệ tư tưởng Mác - Lênin xâm nhập vào tư tưởng nhân dân, thì lúc này đây người ta mới chính thức nhận định quan niệm "nghệ thuật vị nhân sinh" là đúng đắn, còn "nghệ thuật vị nghệ thuật" là sai lầm, làm cho nền văn học nước nhà kém phát triển cũng như có hại cho cách mạng, thì cuộc chiến mới hoàn toàn kết thúc. Sớm nhận ra được tính đúng đắn của văn chương hàng trăm năm, trước cả khi cuộc bút chiến trên xảy ra, trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: "Văn chương có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người".
Thế nào là văn chương? Nói như giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì "Văn chương là một hình thái tư tưởng nghệ thuật bằng ngôn ngữ của con người", hay theo S. Langer: "Văn chương là sự sáng tạo hình thức ký hiệu tình cảm nhân loại", hoặc cũng có thể nói văn chương bằng một quan niệm rộng rãi hơn "Tác phẩm văn chương là một sinh thể tinh thần của con người và xã hội". Chung quy lại người ta sẽ không bao giờ định nghĩa được hoàn toàn văn chương chỉ bằng đôi ba câu nói bởi văn chương không phải là một phạm trù nhỏ lẻ, mà nó là tổng hòa của rất nhiều hệ tư tưởng, ý thức khắp nơi trên thế giới cùng tụ lại, ai cũng có thể đưa ra một quan niệm về văn chương cho riêng mình, thế nhưng chẳng ai có thể khẳng định đó là quan niệm duy nhất và đúng nhất.
Đó là về văn chương, vậy thế nào là văn chương đáng thờ và không đáng thờ theo lời của Nguyễn Văn Siêu, "thờ" ở đây là tôn thờ, theo nghĩa cung kính, trân trọng, hết sức nâng niu một thứ quý giá, có ý nghĩa to lớn. Như vậy có thể hiểu văn chương đáng thờ là tác phẩm phải có giá trị, có ý nghĩa xứng đáng được xem trọng, tôn thờ và ngược lại văn chương không đáng thờ thì tôi nghĩ rằng đó là thứ văn không tồn tại bao nhiêu ý nghĩa, hoặc không hướng đến những giá trị có lợi, hoặc không có vai trò làm phát triển nền văn học nước nhà. Nguyễn Văn Siêu cũng bổ sung và nhấn mạnh tính đáng thờ của văn chương ở chỗ chuyên chú ở con người mà ta có thể hiểu đó là tư tưởng "nghệ thuật vị nhân sinh", còn không đáng thờ nghĩa là chỉ nhắm vào thứ nghệ thuật trừu tượng, chỉ chuyên chú ở văn chương, nhưng không mang lại những giá trị nhân văn, phục vụ cho cuộc sống tinh thần của con người. Quan niệm này của Nguyễn Văn Siêu là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, một đất nước của dân, do dân, vì dân, một đất nước với hệ tư tưởng Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thậm chí đến cả Hoài Thanh, chủ soái của trường phái "nghệ thuật vị nghệ thuật" trong bài Nhìn lại cuộc tranh luận về nghệ thuật hồi 1935 - 1936 in trên Tập san Nghiên cứu văn học số 1 tháng 1-1960, cũng tỏ rõ một thái độ tự phê vừa rất chân thành vừa rất gay gắt, với những câu như: "Phái vị nghệ thuật trước sau cố từ chối không chịu nhận cái danh hiệu ấy...Nhưng thái độ của họ trên thực chất là một thái độ thoát ly chính trị mà thoát ly chính trị không vị chính trị thì còn vị gì? Cho nên gọi họ là phái nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là phải". Không chỉ vì hoàn cảnh đất nước, hay bất kỳ một tư tưởng buộc phải gò ép cho là đúng nào khác mà tôi nghĩ rằng, nghệ thuật xuất phát từ khối óc và nội tâm của con người thì trước tiên nó phải nên "ích kỷ" là vì con người chứ không phải là bất kỳ một điều gì khác, và giống như M. Gorki nói "Văn học là nhân học".
Văn chương đáng thờ chính là văn chương chuyên chú và tập trung vào con người, nó xoay quanh cuộc sống của con người, từ chính những điều tưởng dung dị và tầm thường mà làm nên nghệ thuật, một thứ nghệ thuật quý báu, chân thực chứ không phải là cung trăng, chị Hằng hay một cõi thần tiên, bát quái xa xôi. Văn chương không cần phải trau chuốt, chọn lọc những thứ quá ư hoàn mỹ, bởi thú thực rằng văn chương viết ra để cho con người bình thường đọc thì chí ít cũng nên viết những cái gì họ có thể hiểu, có thể thấm thía thì mới có giá trị. Như nhà văn Nam Cao đã từng nói "Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời". Văn chương khi lấy con người làm trung tâm, khắc họa số phận của con người, hoàn cảnh đất nước trong những giai đoạn lịch sử khác nhau thì thực sự là vô cùng quý giá, đâu phải tự dưng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lại được xem là tác phẩm kinh điển của cả nền văn học Việt Nam từ xưa tới nay. Ở Truyện Kiều cái cốt yếu đi vào lòng người đọc chính là lòng nhân đạo của tác giả đối với số phận bất hạnh của kiếp hồng nhan trong xã hội cũ, từ đó tố cáo sự bất công, ngang trái của chế độ phong kiến, hơn thế nữa chính về tập trung vào con người thế nên Nguyễn Du mới có thể gợi mở hầu hết những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thông qua nàng Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn. Phải nói rằng từ xưa tới nay hiếm có tác phẩm nào lại đạt được những nội dung và giá trị nhân văn sâu sắc, đi sâu vào lòng người đến mức nhắc tới văn học Việt Nam thì phải kể đến Truyện Kiều trước tiên. Đó là xưa Truyện Kiều đã nổi lên như một tác phẩm vị nhân sinh vĩ đại bậc nhất, thì ngày nay lại càng có nhiều tác giả nhận ra điều đúng đắn ấy, ví như Nguyễn Huy Tưởng trong tác phẩm Vũ Như Tô với câu nói "Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi", Cửu Trùng Đài tuy đẹp đấy, lý tưởng đấy thế nhưng nó đã để lại gì ngoài sự khốn khổ và phẫn nộ cho nhân dân, đó là một bài học sâu sắc về cái gọi là "nghệ thuật vị nghệ thuật". Rồi đến nhiều nhà văn hiện thực giai đoạn trước cách mạng, người ta lại càng thấy rõ vai trò và vị trí của những tác phẩm "nghệ thuật vị nhân sinh", người ta thấy một xã hội thần quyền, cường quyền tàn ác thông qua Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, người ta thấy một xã hội thượng lưu đáng ghê tởm, mục nát với cái vẻ ngoài hào nhoáng thông qua Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Rồi người ta cũng lại nhìn thấy cái bất hạnh của những con người dưới đáy xã hội cũ trong các tác phẩm của Nam Cao, đó cái bi kịch bị tước đi quyền sống, quyền làm người của Chí Phèo, hoặc cái nạn đói khủng khiếp năm 45 trong Vợ nhặt đã hành hạ, dằn vặt con người ta đến mức khốn khổ, hoặc là cái bi kịch "Đau đớn thay cho những kiếp sống muốn cất cánh bay cao nhưng lại bị cơm áo ghì sát đất" trong Đời thừa của người trí thức nghèo,...
Nhưng văn chương đáng thờ có phải chỉ dừng lại ở việc phản ánh một xã hội hiện thực hay không? Dĩ nhiên là không mà theo như ý của Thạch Lam "Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Văn chương vừa phơi bày, ghi lại những gì đã diễn ra ở xã hội người như một cuốn nhật ký đầy cảm xúc, đồng thời văn chương cuối cùng là cốt đến sự thay đổi thế giới loài người, đó mới là cái mà văn chương đáng thờ đang làm và đã làm một cách xuất sắc. Từ Truyện Kiều, đến Số đỏ, Chí Phèo, Đời Thừa, Vợ nhặt, Sống mòn, Lão Hạc,... và rất nhiều tác phẩm khác đều có một mục tiêu duy nhất chính là phải thay đổi cái xã hội bất công này, thúc giục, khai mở trong tâm hồn con người những quan niệm, tư tưởng mới, hướng con người đến với cách mạng để có một tương lai tốt đẹp hơn. Không chỉ dừng lại ở đó văn chương đáng thờ còn phải "gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có", nó phải tập trung vào xây dựng nhân cách, đạo đức và tâm hồn của con người như tình cảm gia đình, tình cảm với quê hương, đất nước, dân tộc, lòng bao dung, bác ái,... Đó phải kể đến những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, của Hồ Chí Minh và các tác giả viết về đề tài kháng chiến như Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi,... đều làm rất xuất sắc vấn đề này.
Trên đây là một số quan điểm về văn chương đáng thờ, còn văn chương không đáng thờ, thực tế tôi nghĩ rằng đó là thứ văn chương đơn thuần chỉ để thưởng thức mà không có ý nghĩa gì thêm nữa. Tác giả không đặt con người làm trọng tâm, thay vào đó họ thích lấy những tiêu chuẩn, chuẩn mực hoàn mỹ nhất định để trau chuốt cho tác phẩm của mình, nhưng cái hậu quả của việc chăm lo bề ngoài quá đó chính là phần nội dung rỗng tuếch thiếu thiếu thuyết phục. Đọc một lần có thể người ta thấy hay, người ta sẽ khen đôi lời như là văn hay, chữ tốt, hoặc nhịp văn mạch lạc, nhưng tuyệt chẳng có bao giờ người ta nói gì về nội dung, bởi có chi đâu mà nói. Một tác phẩm mà không khiến người ta suy ngẫm, trăn trở, không khiến con người ta thấm thía hay nhận ra một cái gì đó thì thực tế không có bao nhiêu giá trị cả. Trong lúc bút chiến với nhóm Tự lực văn đoàn Vũ Trọng Phụng cũng từng phát biểu quan điểm của mình rằng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời", mà thực tế thì những cái gì đi quá xa tầm với của con người thường người ta không mấy mặn mà, quan tâm, bởi nó không khơi gợi được cho họ những cảm xúc thật, những rung động tự trong tâm hồn, Vũ Trọng Phụng và nhiều nhà văn đã nắm rất rõ điều ấy. Ví như Cửu Trùng Đài trong Vũ Như Tô, mặc dầu nó không phải là một tác phẩm văn chương, thế nhưng tôi muốn lấy nó làm ví dụ để mọi người có thể hiểu được cái "nghệ thuật vị nghệ thuật" nó tai hại đến mức nào. Xuất phát điểm nó là lý tưởng của nhân vật chính, lý tưởng về một công trình kiến trúc hoàn hảo"bền như trăng sao", có thể "tranh tinh xảo với hóa công" cho "dân ta nghìn thu còn hãnh diện", thế nhưng chính vì cái mù quáng "nghệ thuật vị nghệ thuật" của Vũ Như Tô đã khiến cho tòa lâu đài tráng lệ ngày càng xa vời với nhân dân, một tòa kiến trúc tráng lệ mọc trên xương máu, mồ hôi và sự nghèo đói của nhân dân thì dẫu đẹp cũng có ý nghĩa gì. Kết cục về sự diệt vong của Vũ Như Tô và tòa lâu đài cũng chính là kết cục của tư tưởng "nghệ thuật vị nghệ thuật".
Nguyễn Văn Siêu dù phủ nhận thứ văn chương chỉ chuyên chú ở văn chương, chuộng hình thức, thế nhưng một tác phẩm văn chương đáng thờ, có giá trị thì hình thức nghệ thuật của nó cũng không thể tầm thường được. Có thể rằng nhiều nhà văn viết về cùng một chủ đề ấy, nhưng chính những nét nghệ thuật, sự sáng tạo trong cách xây dựng, hệ thống tác phẩm đã làm nên phong cách của người nghệ sĩ, làm nên những giá trị riêng cho từng tác phẩm. Ví như Nguyễn Du với bút pháp tả cảnh ngụ tình, tài sử dụng thể thơ lục bát xuất sắc đã làm nên Truyện Kiều kinh điển cả về nội dung lẫn hình thức, đi sâu vào lòng người đọc, Thạch Lam với lối viết truyện không cần cốt truyện lại trở thành một nhà văn tinh tế có tài quan sát và nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật. Hoặc một Vũ Trọng Phụng với giọng văn châm biếm, không nhân nhượng, một Nam Cao với giọng văn giản dị, chân thực, xót xa, một Nguyễn Khoa Điềm với tư tưởng triết luận trữ tình sâu sắc gắn liền với chất liệu văn hóa dân gian, hoặc một Xuân Diệu say mê cuồng nhiệt, một Huy Cận say mê, nồng nhiệt,... Tất cả các nhà văn, nhà thơ trên đều khiến những tác phẩm của mình trở nên độc đáo thu hút theo những cách rất riêng, không phụ thuộc vào một khuôn mẫu nào cả. Đó mới thực là văn chương chân chính, văn chương đáng thờ.
Văn chương từ trước tới nay vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người, văn chương xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan của con người, văn chương ghi lại những biến đổi trong xã hội tựa như những trang nhật ký quý giá và giàu cảm xúc. Thế nhưng không phải thứ văn chương nào cũng có thể làm tốt vai trò ấy, bởi suy cho cùng văn chương cuối cùng vẫn là để phục vụ con người, thì văn chương đáng thờ chỉ có thể là những tác phẩm hướng về cuộc sống, hướng về con người mới có thể thỏa mãn tất thảy, vừa thỏa mãn về giá trị nội dung sâu sắc mang tính nhân văn vừa có những giá trị nghệ thuật đẹp đẽ, riêng biệt của từng tác phẩm.
Bài mẫu 2:
Sách là một nguồn tri thức quý báu của nhân loại nhưng cũng có loại sách xấu và loại sách tốt, con người sống ở đời cũng có người xấu và người tốt. Văn chương cũng vậy, nó cũng có loại đáng tôn thờ và loại không đáng tôn thờ. Bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu từng nhân định rằng: “Văn chương […] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”.
Xét nhận định trên ta có thể thấy rằng tác giả muốn thể hiện quan niệm của mình về văn chương. Không phải cứ văn chương là nên tôn thờ, không phải một tác phẩm văn chương nào cũng hướng cho con người ta đến những giá trị tốt đẹp. Nếu như người viết chỉ chú trọng vào những câu văn xáo rỗng, để ý tới nghệ thuật nhiều hơn là nội dung, câu văn mỹ miều nhưng lại không hề có ý nghĩa thì đó không phải là tác phẩm mà ta đáng tôn thờ. Trái lại những tác phẩm văn chương mà chú trọng đến con người, lấy nghệ thuật và nội dung để chuyển tải những triết lí sống, những cuộc đời của con người thì đó mới là văn chương đáng tôn thờ.
Văn chương chuyên chú ở văn chương là loại văn chương không có nhiều ý nghĩa đối với con người. Những tác phẩm kiểu này giống như một bài hát nghe thì có vẻ bắt tai đấy nhưng ngôn từ của nó thì lại chẳng có ý nghĩa gì, chỉ một vài ba câu chữ ghép lại chẳng có ý nghĩa mấy. Sức mạnh của văn chương đã được rất nhiều người khẳng định, Thạch Lam từng nói văn chương là “một thứ khí giới thanh cao mà đắc lưc” nó khiến cho tâm hồn con người thanh lọc và cũng vạch trần xã hội giả dối. Thế nhưng khi văn chương không chuyên chú đến con người thì đó không còn là văn chương thực sự nữa. Vì văn chương có chức năng giáo dục, nhận thức mà thẩm mỹ đối với con người. Thực tế cho thấy, khi xã hội phát triển những câu chuyện ngắn trên mạng được đăng tràn lan. Ở đó ta có thể bắt gặp những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình. Nhưng với cách viết chú trọng vào hình thức văn bản mà không chú trọng đến nội dung ý nghĩa của nó. Vả lại trước khi viết một tác phẩm hay làm bất cứ một việc gì việc đầu tiên chúng ta cần xác định chính là đối tượng của tác phẩm ấy là ai. Nếu không xác định được điều đó thì một tác phẩm văn chương viết ra chẳng dành cho ai, chẳng biết là dành cho độ tuổi nào thì đó không phải là loại văn chương đáng để con người ta tôn thờ.
Trái lại, những tác phẩm văn chương đáng tôn thờ là những tác phẩm biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung và nghệ thuật, lấy cái nghệ thuật để làm nổi bật nội dung, ý nghĩa và tư tưởng cảm quan của mình. Một tác phẩm văn chương đáng tôn thờ bao giờ cũng xác định được đối tượng trước khi viết. Những tác phẩm văn chương ấy phải hướng đến con người, không văn hoa sáo rỗng, không mơ mộng, không dùng những câu văn mỹ miều mà chẳng có ý nghĩa gì. Trong nền văn học Việt Nam ta có biết bao nhiêu tác phẩm văn chương đáng tôn thờ vì nó luôn chú trọng đến con người. Ví dụ như Vợ Nhặt của Kim Lân là văn chương đáng tôn thờ vì tác phẩm ca ngợi được vẻ đẹp tình thương mến lá lành đùm lá rách của nhân dân ta luôn tỏa sáng kể cả trong hoàn cảnh khó khăn của nạn đói. Đó còn là vẻ đẹp đất nước, sự tự hào về truyền thống văn hóa, về tinh thần yêu nước và căm thù giặc, về tự tôn dân tộc, chủ quyền lãnh thổ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Từ thời Nguyễn Trãi, Nguyễn Du với tác phẩm Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều cho đến Hồ Chí Minh, Nam Cao, Tố Hữu… đều lấp lánh những áng văn chương đáng tôn thờ đến ngàn đời.
Như vậy có thể thấy, nhận định của Nguyễn Văn Siêu về văn chương thật đúng đắn và chính xác. Văn chương cũng có loại tốt và loại không tốt, loại đáng tôn thờ và loại không đáng tôn thờ. Một tác phẩm văn chương đáng tôn thờ phải là một tác phẩm để lại cho đời, cho người nhiều giá trị tốt đẹp, nhiều ý nghĩa khuyên răn con người sống hướng thiện.
Đề 2: Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: "Phong cách chính là người." Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?
Cần lưu ý những ý chính sau:
- Phong cách chính là nét độc đáo và phần đóng góp riêng của nhà văn cho đời sống văn học.
- Phong cách bao gồm cả phương diện nội dung và nghệ thuật:
+ Độc đáo về nội dung thể hiện ở quan niệm về cuộc sống và con người từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, cách lí giải những vấn đề về cuộc sống và con người ... .
+ Độc đáo về nghệ thuật thể hiện ở phương thức biểu hiện, ở việc lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ ... .
- Điều thú vị khi đọc tác phẩm văn học là phát hiện được những nét độc đáo trong phong cách của mỗi nhà văn.
Bài mẫu 1:
Con người sinh ra không phải ai cũng giống nhau, mỗi người đều có những khác biệt tạo nên cái riêng của mình cái riêng đó thường được gọi là phong cách. Như nhà văn Pháp nổi tiếng Buy -phông có viết:"phong cách chính là người"
Đúng vây! Phong cách là người, phong cách của một người phản ánh chính con người đó. Vậy chúng ta hiểu phong cách là gì? Theo nghĩa hẹp, phong cách là là cách thức riêng của một tác giả, một nghệ sỹ thể hiện trong sáng tạo một tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật. Đó là những biểu hiện mang tính chất hệ thống về tư tưởng nghệ thuật, các đặc trưng mang tính thẩm mỹ, ổn định về nội dung và hình thức thể hiện tạo nên giá trị độc đáo của tác giả. Theo nghĩa rộng, Phong cách là phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nề nếp ổn định của một người hoặc một lớp người được thể hiện trong tất cả hoạt động sống của chủ thể, tạo nên những giá trị riêng, những đặc trưng của họ. Phong cách được hiểu như một nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người và trở thành thói quen, nề nếp ổn định khi suy nghĩ, diễn đạt và hoạt động thực tế. Đối với mỗi người thì phong cách của họ gần với đặc điểm truyền thống, thói quen, hoàn cảnh sống quy định, đồng thời mang dấu ấn cá nhân rất rõ. Mỗi người, từ bé thơ lớn lên đã có phong cách của mình. Phong cách nào cũng có sự tự tin của mình.
Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta được nghe rất nhiều về phong cách, nào là phong cách thời trang, phong cách sống, phong cách nghệ thuật,... Nói về trang phục, chúng ta cũng thường nghe thấy rất nhiều người nghe đến việc nhận xét phong cách ăn mặc của một người chẳng hạn như phong cách babadoll, phong cách bánh bèo,.. Theo những lời nhận xét đó ta có thể thấy, mỗi người hoặc mỗi lớp người đều chọn cho mình một phong cách ăn mặc riêng mà họ cảm thấy yêu thích. Có người chọn phong cách sexy gợi cảm, có người lại thích phong cách dễ thương, có người lại thích phong cách giản dị, trong sáng…Không chỉ trong trang phục thường ngày ta còn thường bắt gặp phong cách của những ca sĩ. Phong cách của ca sĩ được thể hiện trong những bài hát của họ. Người ca sĩ hát nhạc ballad trữ tình sẽ khác với người hát nhạc rock hay nhạc cách mạng…Mỗi người ca sĩ ngoài gu ăn mặc, người ta sẽ nhớ đến họ theo một dòng nhạc nào đó. Mà chính những điều đó làm nên phong cách riêng của một người ca sĩ.
Trong văn học cũng vậy, phong cách phong cách của nhà văn được thể hiện trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật. Trong nội dung, phong cách nhà văn in đậm trong quan niệm về cuộc sống con người, việc lựa chọn đề tài, xây dựng chủ đề, cách lí giải vấn đề về cuộc sống con người… Có thể thấy rõ điều này ở nhiều nhà văn như Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hồ Chí Minh… Nguyễn Tuân thường nhìn mọi sự vật, sự việc dưới góc độ của sự tài hoa. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn tìm thấy sự tài hoa của những nhà Nho hết thời trong những thú chơi tao nhã của họ: thả thơ, uống trà, ngâm vịnh… Sau Cách mạng, nhà văn lại say mê với sự tài hoa của những con người Việt Nam trong lao động, sản xuất… Nam Cao lại khác. Trước Cách mạng, ông đau đáu với đề tài về những người nông dân Việt Nam nô lệ bị tha hóa về tinh thần, nhân phẩm hay những nhà trí thức Việt Nam quằn quại trong nỗi đau vì bị “áo cơm ghì sát đất”… Về nghệ thuật, phong cách nhà văn cũng được thể hiện đa dạng ở nhiều phương diện: phương thức biểu hiện, lựa chọn thủ pháp nghệ thuật, cách tổ chức kết cấu, tổ chức ngôn ngữ… Điều này cũng rất dễ nhận biết đặc biệt ở những tác giả lớn. Nhà thơ Tố Hữu thường chọn thể thơ lục bát, giọng điệu tâm tình ngọt ngào để thể hiện tình cảm tha thiết, chân thành của nhân vật trữ tình. Nhà văn Nam Cao lại rất dễ “bị” nhận ra bởi lối kể chuyện đảo trình tự tuyến tính hiện đại hay cách liên kết đoạn văn rất tài tình… Mỗi nhà văn lại có những ý tưởng độc đáo khác nhau trong cách thể hiện tác phẩm của mình. Và với độc giả, khi đọc một truyện ngắn, thưởng thức một bài thơ… không gì thích thú là việc phát hiện ra những nét đặc sắc về phong cách của các tác giả. Những nhà văn, nhà thơ có tài năng thực sự mới có thể định hình phong cách riêng của mình. Và giữa phong cách của mỗi tác giả lại có mối quan hệ chặt chẽ tới bản thân cá tính mỗi nhà văn. Trong văn học, phong cách được thể hiện sinh động như một thực thể bộc lộ những quan niệm cá nhân về văn học. Trong truyện ngắn của mình, Nam Cao luôn có vẻ khách quan, hờ hững với nhân vật. Ông gọi họ là “y”, là “thị”, miêu tả họ với những hình hài xấu xí, thậm chí là ghê rợn (đặc biệt là những người nông dân). Nhưng đằng sau những trang văn tưởng như lạnh lùng, khinh thị ấy là tấm lòng đồng cảm thấu suốt là tình thương đến nhói buốt của một tấm lòng đồng ái, đồng chủng. Ngoài đời, con người Nam Cao cũng có dáng vẻ giống như giọng điệu văn chương của ông trong truyện ngắn. Nhắc đến Nam Cao, những người bạn văn nhớ đến một dáng vẻ trầm lặng, ít nói, nhưng thực chất, ẩn đằng sau dáng vẻ phẳng lặng, im ắng ấy là một tinh thần sôi nổi, quyết liệt. Chỉ có những tính cách mạnh mẽ mới có thể phát biểu thế này: “Sống đã rồi hãy viết”! Phong cách của nhà văn in đậm lên từng trang viết. Đến lượt mình, phong cách văn học của mỗi tác giả lại in sâu vào lòng người đọc tạo nên mối đồng cảm sâu sắc giữa những nhà văn, nhà thơ và những độc giả chân thành.
Bài mẫu 2:
"Phong cách (…) cũng như màu sắc đối với người họa sĩ, không phải là một vấn đề về kỹ thuật mà là về cách nhìn. Nó là một phát lộ, vốn sẽ không thể có được bằng những phương tiện trực tiếp và hữu thức, về sự khác biệt về chất có trong cách mà thế giới hiện ra với mỗi chúng ta, sự khác biệt mà, nếu không có nghệ thuật, thì sẽ mãi là bí mật vĩnh hằng của mỗi con người"
Nói cách khác, phong cách tác giả không đơn thuần là một vấn đề kỹ thuật hay chỉ là lớp vỏ ngoài trang trí cho tác phẩm văn chương mà nó là cách nhìn rất riêng của mỗi người về thế giới, phân biệt với cách nhìn của những người khác.
Mỗi người sinh ra và lớn len đều có riêng trong mình một khí chất, năng lực và kinh nghiệm để có thể tiếp thu những cái tốt đẹp và loại trừ những cái xấu. Qua trình đó dần hình thành trong mỗi chúng ta một vốn cá tính đặc biệt mà ta hay gọi là phong cách. Xét trên bình diện này, Buy-phông – một nhà văn nổi tiếng của Pháp từng nói: "Phong cách chính là người". Quả thật trong cùng một hoàn cảnh nhưng phong cách của mỗi người không hoàn toàn giống nhau, mà nó chính là bản thân người mang phong cách đó. Cùng suy ngẫm và chiêm nghiệm về câu nói của Buy-phông để mỗi chúng ta có thêm những hiều biết và dần định hình trong mình một phong cách riêng. Trong cuộc sống, người ta thường định hình phong cách theo hai nghĩa. Một là, phong cách nghệ thuật. Đó là phong cách của một nhà văn, nhà thơ, nhà kiến trúc... hoặc phong cách của một thời đại nào đó.
Hai là, tác phong, tính cách của một người hay một lớp người nào đó trong xã hội được hình thành một cách tương đối ổn định, làm nên phong cách riêng của một người hay một lớp người đó.
Phong cách tuy đa dạng như vậy nhưng nhìn chung khi nhắc đến phong cách ta vẫn thường nhắc đến dấu ấn cá nhân của sự vật. Ngoài ra một điểm chung của bất kì loại phong cách nào là cũng đều chịu tác động mạnh mẽ sâu sắc của môi trường sống. Đó là những tác động của truyền thống văn hoá, đạo đức, tâm lí nghề nghiệp. Nhìn từ bình diện văn học, phong cách cũng đa dạng nhưng không kém phần sâu sắc.
Buy-phông đã rất tinh tế khi nhìn nhận "Phong cách chính là người". Trong văn học, phong cách là yếu tố cấu thành tác phẩm không thể thiếu. Độc giả cũng như mọi nhà lý luận văn học mỗi khi nhìn nhận một tác phẩm, người ta thường hay chú ý đến hai phương diện quan trọng của phong cách văn học là: nội dung và nghệ thuật. Về nội dung, phong cách là dấu ấn thể hiện cách nhìn nhận con người và cuộc sống, cách lí giải cuộc sống và con người… Về nghệ thuật, phong cách là cách lựa chọn những thủ pháp nghệ thuật, kết cấu ngôn từ, sử dụng ngôn ngữ... Một tác phẩm hay chỉ được đánh giá khi tạo ra được dấu ấn riêng, mang lại cho người đọc những lay chuyển xúc cảm nhẹ nhàng mà tinh tế. Chính vì vậy, dù trên bất cứ bất cứ bình diện nào, khi đánh giá tác phẩm hay con người, phong cách cũng vừa là tiêu chí quan trọng, vừa là nơi thể hiện cái tính cách cũng như tâm hồn trong tác giả. Xin một lấy một góc nhỏ của nền văn học Việt Nam để chứng minh và làm rõ hơn khi nhìn nhận "Phong cách chính là người".
Nhắc đến văn học Việt Nam, nhắc đến phong cách con người tôi dần mường tượt ra sợi dây lien kết giữa chúng. Nguyễn Đăng Mạnh trong "Nhà văn, tư tưởng và phong cách" đã gắn phong cách với cá tính nhà văn khi ông xác định: "Văn chương là một hình thái ý thức xã hội có đặc trưng riêng. Đây là lĩnh vực cần đến năng khiếu và tài nghệ, cần cá tính và phong cách". Rồi sau đó, trong "Nhà văn Việt Nam hiện đại: chân dung và phong cách, ông lại một lần nữa coi phong cách "phụ thuộc vào những thói quen tâm lý và những sở trường riêng của nhà văn". Từ đó, "dựng" nên phong cách nhà văn, như Nguyễn Tuân ngông, Quang Dũng tài hoa, tài tử, phong tình và lãng mạn, Nguyễn Đình Thi nhà thơ của đất nước tươi đẹp và hùng tráng đau thương, thơ Hoàng Cầm là linh hồn của quê hương Kinh Bắc cổ kính, đầy huyền thoại, cổ tích và chứa chan chất nhạc, chất thơ. Nguyên Ngọc là cây bút sử thi - lãng mạn, một chủ nghĩa lãng mạn anh hùng đầy chất thơ... Rồi Đào Thái Tôn trong Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục, khi đi tìm một cơ sở để lựa chọn thơ nôm truyền tụng của nữ sĩ đã "dùng phong cách Lưu Hương ký để xác định phong cách "thơ nôm truyền tụng" của Hồ Xuân Hương".
Phong cách ở mỗi bình dịên đều đa dạng và sâu sắc. Văn học chỉ là một trong số những bình diện mà tôi muốn vay mượn nhằm đánh giá đúng và chính xác khi nhìn nhận con người. Tôi dần nhận ra câu nói của Buy-phông hết sức chập chờn. Bởi vì như tôi đã nói các định ngữ đã để định nghĩa chập chờn. Như tôi đã nói về một số phon